---- (Một bài đăng cũ của mình, do gặp lỗi nên không hiển thị được, nay mình đăng lại dể chia sẻ với mọi người)
Tôi không tự thừa nhận rằng mình viết ra những tác phẩm văn học, nếu bạn đọc cho rằng như vậy thì đó là một niềm hạnh phúc nho nhỏ mà bạn đã mang đến cho tôi rồi. Tôi không viết lên tất cả, từ lòng cầu mong danh vọng, đôi khi đơn giản, tôi chỉ là một nhân chứng đi ngang qua phố phường, chứng nhân cho những gì tôi nhìn thấy để kể về thế hệ của tôi, cho mai sau và cho mãi mãi nhớ về một thời đại đó. Một điều gì đó để rồi sẽ trở thành kỷ niệm đẹp trong ký ức khi thời gian cuốn trôi.
Đó có thể chỉ là những dòng xe cộ hôm nay, những chiếc xe máy chạy trên đường phố, những con đường, những căn nhà hay ánh mắt mọi người nhìn tôi trong thành phố này. Nhưng tôi đặc biệt muốn kể cho con trai tôi nghe về một nét văn hóa đặc biệt của chúng ta. Một thứ tầm thường, giản dị nhưng có thể rồi một ngày bọn trẻ sẽ tìm nó để làm tư liệu.
Nghe có vẻ buồn cười, nhưng điều tôi muốn nói đến đó là món bánh mì, vốn dĩ là thứ quá đỗi thân thuộc với mọi người, cho dù ở bất cứ tầng lớp nào cũng đều thưởng thức nó một lần, nếu như ở Mỹ họ có Hamburger thì chúng ta cũng có một thứ riêng, bánh mỳ có lẽ đã du nhập vào Việt Nam theo chân những người lính Pháp, nhưng ngày càng thay đổi để trở thành một món riêng của Việt Nam. Họ ăn bánh mỳ, bởi nó nhanh, rẻ và tiện lợi, không đóng gói, bao bì, hay nước sôi như mỳ ăn liền. Nhưng bánh mì là một thứ đặc biệt bởi mỗi nơi có mỗi cách thức khác nhau để làm ra sản phẩm, chủ yếu là phần nhân bên trong, và dường như người ta chẳng cần học hỏi ai nhiều lắm cũng có thể mở một xe bán bánh mì. Vì vậy mà bánh mì cũng đa dạng đến độ bạn chỉ cần ăn qua một chút thôi cũng có thể biết nó đuợc bán ở chỗ nào.
Hãy nhớ lại từ ổ bánh mì đầu tiên bạn đã dùng ... cho đến nay, bạn sẽ thấy được kinh tế thay đổi như thế nào.
Tôi vẫn nhớ như in ổ bánh mì khô khốc của Hội An năm xưa, chỉ có chút nước tương với vài miếng mỡ có tí xíu nạc, và chủ yếu rau răm với hành lá, thậm chí vào thời đó bạn có thể mua nửa ổ bánh mỳ, điều mà bây giờ nếu có ai làm như vậy thì sẽ nhận được những ánh mắt lạ lùng, tưởng như người ngoài hành tinh. Kể cả ổ bánh mỳ cũng có loại "thấp bé nhẹ cân" hơn bây giờ một nửa, giá chỉ một nghìn vậy mà còn có thời rẻ hơn, người ta phân ra làm hai loại, và thường khi đi mua thì gọi là "bán cho tui ổ bánh mỳ nhỏ" hoặc "bán nửa ổ bánh mỳ lớn", nhưng sự so sánh đó giờ đây đã bị dẹp bỏ, vì chẳng ai thích ăn bánh mì nhỏ nữa, có lẽ họ không cảm thấy no.
Bánh mỳ Hội An thì ngày càng cầu kỳ hơn, chang thêm nhiều thứ gia vị, súp mayonaise, pate, thịt nguội, thịt hấp, chả bò, chả heo... Có lúc gặp dịch bệnh phải đổi sang thịt gà, hay súc xích. Nổi tiếng trong số đó là các tiệm bánh mỳ "bà Phượng", "bà Lành", "bánh mỳ phố cổ", nghe có hơi thiếu nhã nhặn như đó là cách gọi bình dân, đúng với món ăn mà đa số người ưa thích. Duy chỉ có một điều duy nhất trong đặc trưng của bánh mì Hội An là món rau thơm hơn những nơi khác rất nhiều, bởi Hội An có làng rau Trà Quế nổi tiếng, tôi vẫn còn nhớ những buổi chiều hẹn hò bên luống rau mộc mạc, dù mối tình đã không còn nữa mà hương thơm và cảm xúc vẫn còn đọng mãi trong lòng. Kể tới sự đa dạng của bánh mỳ còn phải kể tới Đà Nẵng, một minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của món ăn phổ biến này, dù sao đây cũng là quê hương của bánh mỳ. Ở đây có đủ loại, có loại to tướng dài cả mét, có thứ nhỏ như ngón chân cái và dài như chiếc đũa hoặc tròn như cái bát, đặc biệt mỗi loại đều có công thức riêng của nó. Tôi chỉ mới sống ở Đà Nẵng được một thời gian nhưng biết khá nhiều tiệm bánh mỳ ngon ở thành phố này. Ngược lại với Hội An, bánh mì ở đây đang có xu hướng đơn giản hóa, thịt chả đều mua ở siêu thị cả, nhưng giá cả thì đắt hơn ở Hội An gấp đôi, trung bình khoản mười nghìn một ổ. Đó là loại bánh mỳ truyền thống, ngoài ra ở đây còn có bánh mì gà, loại tròn tròn, bên trong phết thứ bơ gì đó với một ít dưa chua, dưa leo, thịt dăm bông ... Thơm, béo mà không ngấy, ngoài ra chẳng còn thứ gì trong đó kể cả rau. Tôi cũng không rõ loại bánh mì này du nhập ở đâu, nhưng nhiều người cho rằng tiệm ngon nhất bán loại này là quán của "Cô Chi", ở ngã ba Phan Châu Trinh, đối diện tiệm cafe Wonder. Có thể nói Phan Châu Trinh là con đường trung tâm bán bánh mì ở thành phố Đà nẵng, một con đường ngắn mà có vô số tiệm bánh mì.
Bạn cũng có thể ăn bánh mỳ thịt heo quay ở ngã tư công viên 2-9, nếu chỉ mình tôi đánh giá thì xem ra thiếu khách quan, nhưng ít ra thì chỗ này đã được nhiều người bạn của tôi chấm điểm là "ngon". Một tiệm bánh mỳ khá nổi tiếng nữa là "bánh mì Ông Tý", đây là loại đơn giản nhất của phong cách bánh mì Đà Nẵng hiện đại, chỉ có chả với một thứ nước bí mật nào đó, người bán chỉ rắc thêm muối tiêu, tuyệt đối tuân thủ công thức, không thêm bất cứ thứ gì, nhưng bí quyết ở chỗ món chả gia truyền của tiệm, hương vị độc nhất mà tôi tin là không tìm ở đâu khác được trên thế giới này. Nhưng giá của nó khá đắt, mười hai đến lăm ngàn, tương đương với một bát phở. Dù sao thì đổi lại cũng đáng để trải nghiệm một lần, bạn có thể tìm mua trên đường Hùng Vương gần chợ Cồn, nhưng dạo này có nhiều người tự ý lấy thương hiệu "Ông Tý" nên bạn có thể mua nhầm hàng chính hiệu.
Dĩ nhiên là còn nhiều nơi để tôi giới thiệu hơn nữa, như bánh mì thịt nướng, bánh mì cá khô, bánh mì Nha Trang, nhưng quan trọng hơn là ở cái thú của người ăn bánh mì.
Giữa đêm khuya, những ai từng một mình với ổ bánh mì trên vỉa hè , trong tiếng mưa rơi rả rích, mới thấy thấm thía sự cô đơn, nỗi lạnh lùng của dòng xe cộ và lối sống đô thành. Thấy con người cần phải sống để chống chọi với bao thử thách trên cuộc đời này, và bánh mì chỉ là một công cụ tiếp sức mà thôi.
Mỗi lần cầm bánh mì trên tay, lại nhớ đến quãng đời lang thang bên vỉa hè , sống nhờ nghề sửa xe đạp của ba . . . giấc ngủ trong nghĩa trang lạnh lẽo, một cái áo mưa che cho cả gia đình. Khi đó mình còn quá nhỏ để cảm nhận nỗi khổ cực, cái khắc nghiệt của Sài Gòn, nhưng đó cũng là động lực để mình vượt qua tất cả, để luôn thấy mình có một cuộc sống tốt hơn xưa rất nhiều, dù hiện tại có khó khăn đến mấy đi nữa.
Tuổi thơ trôi qua thật nhanh, giờ đã là người lớn, nhưng đôi khi vẫn cảm động với ai cầm một ổ bánh mì bằng đôi mắt xa xăm, buồn bã và mệt mỏi, một ý nghĩ nào đó trong họ khó nói nên thành lời, nhìn thấy nỗi khổ của đôi người xung quanh, có khi chực nghẹn ngào ...
... nhớ mình, nhớ những lúc cô đơn ... bỗng thấy mình đôi khi còn hững hờ giữa dòng đời này lắm.
Thư gởi con trai...!
0 nhận xét:
Đăng nhận xét