Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

Bộ sưu tập ấm trà cổ 'độc nhất vô nhị'


Bộ sưu tập ấm trà cổ 'độc nhất vô nhị'

Giadinh.net - Tính đến giờ, ông Vũ Quý Nhân là người Việt Nam duy nhất sở hữu bộ sưu tập hơn 300 ấm trà cổ, trong đó có những ấm trà quý gần 800 năm tuổi, có ấm trà từng được sử dụng trong phủ Chúa Trịnh, lại có ấm trà cù lao độc đáo mà người ta chỉ được đọc và xem trong sách chứ chưa được nhìn thấy ngoài đời bao giờ.

Bộ sưu tập ấm trà cổ.
 
Những chiếc ấm “sống” gần thế kỷ
 
Ông Vũ Quý Nhân sinh ra và lớn lên tại huyện Định Hóa (Thái Nguyên). Khi nói về bộ sưu tập của mình, ông Nhân chỉ cười:  “Tôi là người thích uống trà gặp may".
 
Ông bộc bạch: “Đời tôi thiếu cái gì còn được, chứ  thiếu trà thì không thể làm việc được, người cứ lử đử như bị ốm vậy”. Những năm tháng chiến tranh, có loại chè Kim Thát, hiếm có những lúc anh em xuống chợ vùng ven để mua đồ, thì câu đầu tiên ông hỏi khi đồng đội xuống chợ là có mua được trà không.
 
Ông Vũ Quý Nhân kể về bộ sưu tập của mình.
 
Từ người nghiện trà, ông bắt đầu quá trình sưu tập ấm trà cổ từ cách đây khoảng 16 năm. Bộ sưu tập của ông có hơn 300 ấm trà cổ với nhiều kiểu khác nhau, của nhiều niên đại và ở nhiều vùng gốm trên khắp dải đất hình chữ S.
Trong bộ sưu tập ấm trà cổ của ông, chiếc ấm cổ nhất là ấm gà thần gốm trắng, văn hoa chạm chìm, là ấm cuối thời Lý, gần 800 năm tuổi. Tuổi thọ của chiếc ấm này đã được hội đồng khoa học tỉnh và các nhà nghiên cứu thừa nhận. Ông bảo, ông mua được chiếc ấm này từ một gia đình khá giả ở huyện Đông Anh, Hà Nội. Đó là đồ vật mà gia đình đó được các cụ qua nhiều đời để lại.
Bộ sưu tập của ông còn có nhiều chiếc ấm quý như chiếc ấm cù lao, được truyền tụng đã từng ở phủ chúa Trịnh. Chiếc ấm đó được làm bằng đồng, bên trên là ấm trà, bên dưới là hỏa lò để giữ cho trà trong ấm luôn nóng. Gọi là ấm cù lao vì bình trà ở giữa hỏa lò, nổi bật như một hòn cù lao giữa sông nước. Vòi ấm vươn cao như ống khói, dáng ấm là dáng thăng nên vừa duyên dáng vừa uy nghi. Tại các cuộc triển lãm, trưng bày, chiếc ấm cù lao của ông được rất nhiều người chú ý. Ông kể: “Khách tại các cuộc triển lãm có nhiều người nghiện trà, hoặc các nhà nghiên cứu quan tâm với văn hóa trà nên bỏ công tìm hiểu. Họ nói họ đã từng đọc nhiều sách vở nói về ấm cù lao, nhưng đây là lần đầu tiên nhìn thấy chiếc ấm cù lao thật ở ngoài đời, với dáng gốm và hoa văn tinh tế như thế”.
Chiêm ngưỡng một chiếc ấm, ông thấy mình đang đối diện với một con người. Có chiếc ấm ngộ nghĩnh, hài hước, có chiếc duyên dáng, lại có chiếc oai phong, lẫm liệt hay chiếc khác đài các, quý phái.
 
Chiếc ấm rồng phượng có hoa văn tinh xảo, họa tiết cầu kỳ, kiểu dáng sang trọng.
 
Trong hơn 300 ấm trà cổ, ông thấy hạnh phúc nhất khi mua được chiếc ấm rồng phượng cổ cao. Đó là một chiếc ấm thuộc dòng gốm Bát Tràng, khi ông tìm được, chiếc ấm đã mất nắp và bị để lẫn cùng các vại muối dưa, muối tương cà khác trong góc bếp của một gia đình nông dân. Chiếc ấm rồng phượng cổ cao này có hoa văn tinh xảo, họa tiết cầu kỳ, kiểu dáng sang trọng. Đứng trước chiếc ấm, ông cảm thấy như mình đang đứng trước một người phụ nữ đoan trang, mực thước, rất đẹp, rất kiêu sa.
Trong bộ sưu tập của ông có nhiều chiếc ấm ở các vùng gốm khác nhau. Chiếc ấm từ vùng gốm Chu Đậu giống quả mít, hơi sứt vòi, chiếc ấm được trục vớt ở một con tàu đắm tại Cù Lao Chàm bị hà bám nhiều, nhưng vẫn để lộ men hoa xanh nhã nhặn. Lại có chiếc ấm gốm trắng, được làm cầu kỳ, hình con chích chòe báo tin vui, vòi ấm là cái miệng con chim đang hé mở...
Ấm chia vui là chiếc ấm gốm trắng, được làm cầu kỳ, hình con chích chòe báo tin vui, vòi ấm là cái miệng con chim đang hé mở...
 
Mua ấm cổ như đi hỏi vợ
Nhiều người mua đồ cổ để buôn bán, còn ông tìm mua ấm trà cổ vì ông muốn tìm hiểu văn hóa trà của người Việt. Nhiều người thấy ông có cái tâm nên đồng ý bán ấm trà cổ cho ông với giá “tượng trưng”.
Cách đây 10 năm, nhờ bạn bè ở Huế giới thiệu, ông tình cờ mua được chiếc ấm rồng men hoa lam từ một gia đình ở ngoại thành Huế. Chiếc ấm này rất cầu kỳ, được sử dụng trong những nhà giàu có thời xưa. Chuyện mua chiếc ấm đó, đến giờ ông vẫn còn nhớ rõ. Người chồng thấy ông say mê chiếc ấm, đồng ý bán. Ông chằng buộc ấm rất kỹ, đem lên xe đi được 10 km thì thấy một người phụ nữ trên một chiếc xe ôm đuổi theo đòi lại. Thì ra, sau khi người chồng bán ấm, người vợ biết tin, đang làm đồng, vội vã về nhà, thuê xe ôm đuổi theo đòi lại.
 
Người vợ nói đây là vật gia truyền cha ông để lại nên không dám bán, sợ nhà có chuyện. Không mua được chiếc ấm, ông về nhà mà cứ bần thần như người mất sổ gạo. Sau đó, 3 lần đi lại từ Thái Nguyên vào Huế, ông mới thuyết phục được gia đình đó bán chiếc ấm cho ông. Mỗi lần đến nhà người ta, bạn bè ông phân công nhau: “Ông tán người chồng, còn tôi thuyết phục người vợ”.
 
Cuối cùng, thấy mấy ông “gàn dở” này mất công đi về, lại thấy ông mê chiếc ấm như người ta mê “nhân tình” nên người vợ xiêu lòng đồng ý. Khi trao chiếc ấm cho ông, người vợ còn dặn với theo: “Tôi biết các anh là người làm văn hóa, giữ cho chúng tôi cũng là giữ cho nhiều người khác. Vì vậy, các anh nhớ giữ gìn chiếc ấm hộ chúng tôi nhé”.
 
Ấm gà thần bằng gốm trắng là chiếc ấm cổ nhất, có từ cuối thời Lý, đã gần 800 năm tuổi.
Bây giờ ngồi nghĩ lại, ông cho rằng ông có được chiếc ấm cù lao cũng là cái duyên. Trong một lần lang thang ở ngoại thành Huế, ông gặp người chủ chiếc ấm cù lao, là dòng dõi một vị quan trong phủ chúa Trịnh. Thấy ông say mê với chiếc ấm, mãi không chịu về, nên người chủ này thương, bán lại với giá “tượng trưng”.
Nhưng cũng có lúc ông thất bại trong chuyện mua ấm. Đó là khi ông tìm được một gia đình sở hữu bộ ấm chén thời Nguyễn với hoa văn cầu kỳ, tinh xảo. Ông hỏi mua, rồi năn nỉ người ta bán. Xiêu lòng, người chồng đồng ý, trả tiền xong, gói ghém ấm cẩn thận, đưa lên xe đi rồi, đi được một đoạn, ông nghe tiếng chửi sau lưng. Thì ra, người vợ đuổi theo đòi lại, bà bảo đây là của hồi môn cha mẹ để lại không bán. Ông tiếc lắm, song ông không lấy đó làm buồn, ông bảo: “Tiếc thì tiếc nhưng tôi vui vì biết bộ ấm ấy vẫn được nâng niu. Như vậy là vẫn còn nhiều người biết quý trọng ấm trà cổ”.
 
Ấm hoa cúc với những họa tiết cầu kỳ, tinh xảo.
Nhà ông chật, không có không gian trưng bày bộ sưu tập, ông đành gói chúng lại, xếp vào hòm xiểng, thỉnh thoảng lấy ra lau chùi, chiêm ngưỡng. Khi nhận được lời mời tham gia triển lãm, trưng bày, ông lại “khăn gói quả mướp” lùng tùng hòm xiểng đóng gói trên 300 ấm trà cổ mà ông yêu quý cùng ông đi dự hội. Tất cả được ông xếp theo từng niên đại, từ to đến nhỏ. Đứng trước bộ sưu tập ấm trà cổ, ông say sưa thuyết trình, tự hào, mê say như một người cha đang nói về những đứa con yêu.
 
Ấm hình ông tượng ngộ nghĩnh.
 
Ông bảo, qua những ấm trà cổ, ông muốn cho con cháu biết văn hóa thưởng trà của người Việt. Đêm giao thừa, trên trang thờ nhà ông luôn có một ấm trà đặc biệt, ông pha thứ trà hảo hạng cúng tổ tiên. Chờ thời khắc giao thừa, cả nhà ông đem ấm trà xuống hưởng lộc, nhắp ngụm trà đặc đêm giao thừa, ông cùng vợ con vừa thưởng trà, vừa ngẫm lại những vui buồn trong năm cũ để cùng nhau phấn đấu cho năm tới hạnh phúc, thịnh vượng hơn.
 
Những chiếc ấm cổ làm bằng tay mỗi cái một khác, mặc dù cùng một người làm nhưng chẳng chiếc nào giống chiếc nào. Nhất là khi ấm gốm qua lửa, khi đưa vào lửa, nhờ lửa biến hóa thì sản phẩm gốm đã vượt ra khỏi ý chí chủ quan của người thợ. Một chiếc ấm quay thô có thể có một viên sạn, nhưng khi được hỏa biến thì vết sạn thành một màu sắc khác. Ở chiếc ấm thứ hai, người ta không thể tính toán được, phải cho viên sỏi hình gì, màu gì vào để có được màu sắc như thế. Vì vậy, mới nói người thợ gốm cả đời hỏa biến nhưng chẳng bao giờ làm được hai chiếc ấm giống nhau. Ấm cổ một phần quý giá cũng là vì thế.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét