HOA KỲ (CNN) - Có một cách để mua trúng cái vé số trúng $1.4 tỷ. Nhưng sẽ bàn chuyện này ở cuối bài báo.
Trước hết, nói về dư luận hiện nay. Cả nước Mỹ mấy hôm nay chỉ nói mỗi một chuyện: Vé số Powerball lên đến $1 tỷ 400 triệu, cao nhất trong lịch sử (có lẽ của cả thế giới).
$1.4 tỷ này sẽ thuộc về ai? (Hình: AP Photo/Orlin Wagner)
Xác suất để trúng giải này, để thoắt một cái trở thành “gần tỷ phú,” là 1 phần 292 triệu, nghĩa là khó gấp mấy trăm lần cơ hội tự làm giàu để trở thành tỷ phú.
Trước khi nói về cái khó để trúng số, hãy nói một tin không vui trước: Trúng số phải đóng thuế, và đóng rất nhiều.
Tiền trúng số là thu nhập, và là thu nhập phải đóng thuế. Thuế suất trên tiền trúng số là 39.6%. Ngay khi trúng, Sở Thuế thu trước 25%, phần còn lại thu vào thời điểm khai thuế.
Đó là nói về thuế liên bang. Xuống đến địa phương, người trúng số phải đóng hàng loạt thuế khác. Thuế suất tiểu bang khác nhau, tùy địa phương. Chẳng hạn, New Jersey chỉ đánh 3%, trong khi New York đánh nặng nhất Hoa Kỳ, gần 9%.
Vậy thì người may mắn sẽ bỏ túi bao nhiêu? Tùy thuộc cách bỏ túi.
Có 2 cách lấy tiền trúng số: Lấy hết một lần (sau khi trừ thuế), hoặc lấy từ từ trong 30 năm.
Trong trường hợp $1.4 tỷ đang là niềm hy vọng của mọi người, Powerball sẽ trả “giá trị tiền mặt,” tương đương $868 triệu. Có nghĩa là, người trúng sẽ phải đóng thuế trên số tiền này. Chẳng hạn, một người sống ở New York City, nếu chọn lấy hết một lần, anh ta/cô ta sẽ mang về $495.8 triệu (chính phủ lấy thuế $327.2 triệu, gần 40%).
Cách lấy tiền thứ hai là lấy từ từ, hàng năm. Trường hợp này, người trúng số được nhận trước một khoản, còn bao nhiêu, Powerball mang đi đầu tư rồi lấy tiền lời trả hàng năm, trong 30 năm, cho người trúng số. Con số hàng năm được trả lớn dần theo thời gian, thậm chí tổng cộng có thể lên đến $1.4 tỷ (trước khi đóng thuế).
Các chuyên viên tài chánh khuyên, để lấy được giá trị cao nhất của giải thưởng, nên lấy một lần, lấy liền. Sao lạ vậy? Trả lời: Đã nói là mang tiền đi đầu tư thì làm sao biết chắc đầu tư đúng! Nếu đầu tư vào thị trường rủi ro, nhiều khi chẳng còn đồng nào.
(Trong trường hợp đãng trí, xin nhắc quý vị: Hãy mua vé số rồi hãy hy vọng). Coi như có vé số trong túi rồi, bây giờ nói chuyện trúng $1.4 tỷ dễ hay khó.
Xác suất trúng số lần này là 1 phần 292 triệu. Là sao, dễ hay khó?
Hồi Tháng Hai, 2015, vé Powerball độc đắc có xác suất 1 phần 175 triệu. Nghĩa là bây giờ còn khó trúng hơn hồi đó. Lý do là người mua vé số có thêm số để chọn. Càng nhiều số, xác suất trúng càng nhỏ, tức là... khó hơn. (Trước đây, người mua chọn 5 số trong tổng số 59 con số. Tháng 10 rồi, Powerball nâng lên thành 69 số.)
Powerball có lý do để không muốn có nhiều người trúng độc đắc. Càng ít trúng thì số tiền cộng dồn càng lớn, giải thưởng sẽ lớn hơn. Giải thưởng lớn hấp dẫn người chơi. Càng nhiều người mua vé thì giải thưởng càng lớn, cứ thế chúng ta có... $1.4 tỷ.
Như đã nói, xác suất trúng độc đắc kỳ này là 1 phần 292 triệu. Hãy làm vài so sánh, xem trúng số dễ hay khó:
Trở thành một tỷ phú Mỹ: Xác suất 1 phần 575,097
Tử vong do sét đánh: Xác suất 1 phần 164,968
Có chỉ số IQ 190 (tức là thông minh hơn cả nhà bác học Albert Einstein): 1 phần 107 triệu.
Trúng số khó như vậy, thế mà hiện có 114 giải thưởng (mỗi giải hơn $1 triệu) không có người nhận. Tổng cộng số tiền không có người nhận mỗi năm là $2 tỷ. Một nhà nghiên cứu kết luận rằng, người mua vé số hay để ý mình có trúng độc đắc không. Khi biết tin không trúng độc đắc, họ liệng luôn tờ vé số, quên rằng còn có các giải khuyến khích, từ vài đồng đến triệu đồng.
Trở lại chuyện vé số $1.4 tỷ đang chờ đợi bạn. Câu hỏi đặt ra là có cách gì mua vé số và biết chắc mình sẽ trúng? Có đấy: Mua tất cả những tập hợp số có thể có, “chỉ” khoảng $584 triệu!
Như vậy là vẫn có lời, vì số tiền trúng nếu lãnh ngay một lần là $868 triệu. Lời $284 triệu. (Đó là chưa kể các giải “khuyến khích,” tổng giá trị đến $92 triệu).
Tính đi tính lại hết mọi giải thưởng có thể có, nếu đầu tư $584 triệu để mua tất cả vé số lần này, “nhà đầu tư” có thể mang về $576 triệu “tiền lời.”
Vậy tại sao các tỷ phú Mỹ không đầu tư vào dịch vụ này? Có một vài rủi ro.
Thứ nhất, có người khác cũng trúng độc đắc, và phải chia giải thưởng. Các nhà toán học tính ra, nếu đi mua hết tất cả các vé, xác suất để một mình mình trúng độc đắc chỉ là 22%. (Còn xác suất để có một người khác cũng trúng như mình là 33%; và hai người nữa trúng như mình thì xác suất là 25%). Nếu phải chia đôi, hay chia ba, chia bốn, số tiền độc đắc, vụ đầu tư xem như... lỗ.
Cái khó thứ hai dễ hiểu hơn: Rất khó để mua tất cả các số có thể có. Giả sử mua một vé tốn hết 1 giây đồng hồ, vậy để mua tất cả các vé, người mua mất hết... 9 năm. Đó là nói một cách lạc quan, vì bạn cần phải mua tất cả các số cùng một lúc (chứ không chỉ 292 triệu “quick-pick”). Nếu bạn là tỷ phú, có nhiều tiền, bạn có thể thuê cả một đội quân để đi gom số. Nhưng vẫn không thể bảo đảm là bạn có thể làm chủ tất cả các con số.
(Đã từng có một lần “thu gom” số: Tháng Hai, 1992, một công ty Úc muốn trúng $24 triệu của Virginia Lotto, dồn công sức đi mua vé số, chỉ mua được 2.4 triệu vé trong tổng số 7 triệu, vì... hết giờ).
Thành ra, đầu tư vé số là chuyện có thể thực hiện trên lý thuyết, và không thể thực hiện trên thực tế.
Thôi thì, mua vé số để kiến thiết quốc gia, đừng tính chuyện ăn thua với nhà nước. (Đ.B.)
Theo báo Người Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét