Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

Số phận đặc biệt của người phụ nữ ‘Liệt phụ khả gia’. - Post by ĐCL



Bà Nguyễn Thị Tồn (? - ?), một nhân vật có thật trong lịch sử điển hình cho đức tính trung hậu của người phụ nữ Việt Nam nhưng lại có một số phận... hẩm hiu
Việc đặt tên Bùi Hữu Nghĩa cho đoạn đường liên tỉnh lộ 16 cũ (dài 9.100 m), từ phường Tân Vạn (TP Biên Hòa) đến cầu ông Tiếp, ranh giới tỉnh Bình Dương mang nhiều ý nghĩa. Mảnh đất mà xưa kia ông Bùi Hữu Nghĩa từ quê nhà Cần Thơ đã từng đến Biên Hòa tầm sư học đạo rồi thi đỗ đạt thủ khoa làm đến chức tri huyện phủ Phước Long (tỉnh Biên Hòa cũ).

Bức tranh men gốm khắc họa hình ảnh bà Nguyễn Thị Tồn đánh trống kêu oan cho chồng Bùi Hữu Nghĩa ở triều đình Huế. (Ảnh chụp lại tại Bảo tàng tỉnh Đồng Nai)

Con đường Nguyễn Thị Tồn dài 1.560 m (xã Hóa An, TP Biên Hòa, Đồng Nai) mang tên một người phụ nữ không ngại hiểm nguy từ Biên Hòa ra tận triều đình Huế để gióng lên ba hồi trống ở Tam pháp ty kêu oan cho chồng là quan tri huyện Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872) bị bọn xấu hãm hại. Sau khi kêu oan cứu chồng, bà được thái hậu Từ Dũ (mẹ vua Tự Đức) thương cảm ban cho tấm biển chạm bốn chữ vàng: "Liệt phụ khả gia".

Một góc bình yên của căn nhà xưa mà bà Tồn từng ở hiện thuộc khu phố 4, phường Bửu Hòa (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)

Hai bên đường Nguyễn Thị Tồn được trồng rất nhiều cây bằng lăng tím. Qua tháng Giêng, tầm tháng 3, tháng 4 hằng năm nếu ai một lần đi trên con đường này sẽ ngơ ngẩn với sắc tím hoa bằng lăng rơi nhuộm tím mặt đường.
Câu chuyện huyền sử nghĩa vợ tình chồng, thủy chung son sắt của Bùi Hữu Nghĩa - Nguyễn Thị Tồn đã được đi vào văn học, nghệ thuật. Cố nhà văn - soạn giả Ngọc Linh đã viết thành tuồng cải lương kinh điển "Muôn dặm vì chồng” đã lấy biết bao giọt nước mắt của khán giả mộ điệu cải lương vào những năm 1990. Từ đó, nhân vật Nguyễn Thị Tồn trở thành một tấm gương điển hình cho đức tính trung hậu của người phụ nữ Việt Nam.

Bên trong căn nhà xưa của bà Tồn vẫn còn phảng phất nét hoài cổ

Ngôi mộ và bí ẩn về cái chết

Căn nhà xưa của bà Nguyễn Thị Tồn nằm đối mặt ra dòng sông Đồng Nai, bây giờ thuộc khu phố 4, phường Bửu Hòa (TP Biên Hòa). Tương truyền đây là nhà ông Nguyễn Văn Lý (hộ trưởng thôn Mỹ Khánh, tổng Chánh Mỹ Thượng, huyện Phước Chính, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa (cũ). Bà Tồn là con gái đầu lòng của ông Nguyễn Văn Lý. Căn nhà xây theo kiểu nhà rường Nam Bộ, trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa thì không còn ra dáng dấp nhà cổ nữa nhưng cách sắp xếp, bố trí trong nhà vẫn còn nét hoài cổ.

Cái cối đá mà con cháu cho rằng ngày xưa bà Tồn mang từ Huế về Biên Hòa

Ông Nguyễn Trí Lợi (70 tuổi), công tác ở Hội Đông y Biên Hòa, được coi là cháu đời thứ 5 của bà Tồn, cho biết hiện nhà còn gìn giữ cẩn thận và nguyên vẹn một cái cối đá khá lớn, là một vật dụng mà bà Tồn mua và đem từ Huế về Biên Hòa để dành giã gạo, giã bột làm bánh...

Bằng cái cối đá trăm năm này, ông Lợi muốn chứng minh và phản bác nhiều "nghi vấn" của một số nhà nghiên cứu trước đây cho rằng là bà Tồn sau khi kêu oan cho chồng xong thì trên đường từ Huế trở về quê hương, khi đến Quy Nhơn bà bị kẻ xấu đi theo sau sát hại rồi vùi mất xác (?). Tuy nhiên, ông Lợi khẳng định bà Tồn đã về đến được Biên Hòa rồi một thời gian sau đột nhiên lâm bệnh chết.

Những vật dụng xưa như: thau đồng, nồi đồng gắn liền với cuộc đời bà Tồn vẫn được con cháu gìn giữ cẩn thận suốt trăm năm qua

Lúc bấy giờ, Bùi Hữu Nghĩa dù đã thoát án tử nhưng vẫn bị lưu đày ở biên trấn Châu Đốc xa xôi nên khi về đến quê vợ thì việc an táng đã xong. Ông chỉ biết làm bài văn tế vợ, để tỏ lòng thương tiếc: "Ta nghèo, mình hay giúp đỡ/ Ta tội, mình biết kêu oan, trong triều ngoài quận đều khen mình mới thật là vợ/ Mình bịnh, ta không thuốc thang/ Mình chết, ta không chôn cất, non sông cười ta chẳng xứng gọi là chồng...".

Ông Lợi chia sẻ mộ bà Tồn được chôn cất chu đáo ở vùng Tân Vạn xưa, còn địa điểm chôn chỗ nào không rõ lý do gì mà con cháu không muốn công khai. Một cán bộ Bảo tàng tỉnh Đồng Nai nói rằng trước đây theo chỉ dẫn của người dân địa phương thì tại khu vực Dốc Núi (phường Tân Vạn) có một ngôi mộ cổ cho rằng mộ bà Tồn. Nhưng khi ngành văn hóa tỉnh Đồng Nai đi điền dã xác minh dòng chữ Hán ghi trên tấm bia thì biết mộ này không dính dáng gì đến lai lịch của bà Tồn.

Ngôi mộ gió của bà Nguyễn Thị Tồn bên cạnh mộ chồng là Bùi Hữu Nghĩa trong Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa tại quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. (Nguồn: wikipedia.org)

Năm 2012, khu tưởng niệm danh nhân văn hóa Bùi Hữu Nghĩa ở TP Cần Thơ được tu bổ, nâng cấp và xây dựng mới thì đại diện Sở VH&TT và Thể thao Cần Thơ có liên hệ gia đình ông Lợi để "xin" được cất bốc hài cốt (tượng trưng) bà Tồn về chôn bên cạnh mộ chồng là Bùi Hữu Nghĩa (hiện tại, trong khu tưởng niệm, bên cạnh mộ Bùi Hữu Nghĩa chỉ là ngôi mộ gió của bà Tồn mà thôi). Nhưng đại diện dòng họ Nguyễn Trí không đồng thuận, có lẽ con cháu mong muốn bà được mãi mãi yên nghỉ trên mảnh đất quê cha đất tổ.



BÙI TRƯỜNG TRÍ







0 nhận xét:

Đăng nhận xét