Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Hình mẫu CEO hiện đại


Hình mẫu CEO hiện đại

AT - Đó là một trong những chuỗi hoạt động mở đầu cho cuộc thi Tìm kiếm CEO tương lai năm nay do CLB CFC Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức.
Dưới sự chia sẻ từ các diễn giả là anh Lê Đăng Linh (Công ty cổ phần đầu tư Long Quân), chị Nguyễn Trịnh Khánh Linh (Dale Carnegie Vietnam), anh Phan Tiến Thuận (giải nhất CEO lần 4) và anh Nguyễn Hoàng Sang (chủ nhiệm CLB CFC), buổi hội thảo đã giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn về những tố chất để trở thành một CEO thật sự.
CEO là ai?
Mở đầu buổi hội thảo, anh Lê Đăng Linh đã giúp các bạn trẻ thấy được toàn cảnh về hình mẫu một CEO bằng việc chia sẻ những công việc đã qua của anh. Khi bắt tay vào làm việc gì, một số bạn trẻ thường có tâm lý e dè sợ thất bại nên không dám xông pha. “Chỉ khi nào làm thì bạn mới biết được mình làm đúng hay sai” - anh Đăng Linh nói.
Khi đặt ra câu hỏi “Vì sao bạn muốn trở thành một CEO?” thì nhiều bạn trẻ giải thích vì CEO là người đứng đầu công ty nên có tầm ảnh hưởng đặc biệt đến người khác. Tuy nhiên, chị Khánh Linh nhắn nhủ: “Cái chúng ta hướng đến không phải là chức danh CEO mà là những giá trị chúng ta tạo ra cho xã hội”.
Thông qua triết lý “Đức Phật trong kinh doanh” của Warren Buffett, diễn giả dẫn ra ba phẩm chất giúp một CEO thành công chính là khát vọng, biết lắng nghe và sự quan tâm động viên cấp dưới. “Thứ nhất, CEO là người có tầm nhìn, hoài bão, vì thế chúng ta cần phải nổi trội hơn những người khác. Thứ hai, CEO là người có thể làm việc với tất cả mọi người, có thể nhân viên của mình giỏi hơn mình rất nhiều nhưng nếu không đặt cái “tôi” cá nhân ra ngoài thì rất khó hòa nhập với tập thể. Thứ ba, chúng ta hãy làm tốt nhất công việc của mình rồi kết hợp với những cái tốt của người khác, như vậy sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng” - chị Khánh Linh chia sẻ. Và để làm được điều này, bạn phải nghĩ lớn, đổi mới tư duy, khả năng thu hút nhân tài và biết phát triển con người.
Tìm kiếm CEO tương lai - Nơi ước mơ đâm chồi
Rất đông bạn trẻ quan tâm đến cuộc thi Tìm kiếm CEO tương lai đã đặt ra rất nhiều câu hỏi xoay quanh cuộc thi. Đây là một sân chơi giúp các bạn có thể rèn luyện kỹ năng từ thực tiễn để trở thành một CEO thật sự. “Khi tham gia CEO, bạn học được điều gì? Tại sao bạn chọn cuộc thi này mà không phải là một cuộc thi khác để thử sức? Rời khỏi cuộc thi, những anh/chị từng tham gia hiện nay đang làm gì?” - anh Phan Tiến Thuận gửi gắm đến các bạn trẻ.
Theo các diễn giả, cuộc thi Tìm kiếm CEO tương lai là một hoạt động bổ ích vì là cầu nối giúp sinh viên hình thành và phát triển những tố chất cần thiết để trở thành một CEO thực thụ ngay từ lúc còn ngồi trên giảng đường. Đây là cầu nối giữa nhà trường - sinh viên - doanh nghiệp vì tại đây, các bạn trẻ sẽ linh hoạt hơn trong việc xử lý những tình huống khác nhau ở những môi trường khác nhau. Điều đặc biệt, các bạn phải “xác định được điều mình thích và muốn rồi hãy làm hết sức mình thì sẽ thành công, không chỉ trong cuộc thi mà còn ở ngoài xã hội” - anh Thuận nhấn mạnh.
Đến với buổi chia sẻ lần này, anh Hoàng Sang không ngại kể về kỷ niệm thương đau của mình khi đối mặt với tật nói vấp. Để có được thành công như hôm nay, xuất phát điểm của anh là một thành viên trong ban tuyên truyền. Từ những buổi họp mặt đến công tác PR cho những cuộc thi trước đều được anh và mọi người chuẩn bị rất kỹ nhưng sai sót và mâu thuẫn nội bộ hay xung đột lợi ích cá nhân với tập thể là điều không thể tránh khỏi. Từ câu chuyện ấy, anh đã gửi gắm đến các bạn trẻ một thông điệp: “Là một người lãnh đạo không phải chỉ quan tâm đến cá nhân, của nhóm mà cần phải quan tâm đến lợi ích của cả tổ chức”. Đây là bài học giúp anh quan tâm nhiều hơn đến cuộc thi, sinh viên và xã hội. “Bạn phải dám nghĩ lớn, dám dấn thân để mang lại giá trị cho cộng đồng” - anh Sang nói thêm.
Chia sẻ
Bạn Hồng Phương (CĐ Kinh tế đối ngoại) đặt câu hỏi với các diễn giả: “Nếu thất bại thì CEO sẽ suy nghĩ như thế nào để thành công?”. Trả lời câu hỏi của bạn, chị Khánh Linh nhắn nhủ: “Khi trở thành một CEO, chúng ta phải luôn nghĩ đến những trường hợp xấu nhất để tránh không rơi vào tình trạng đó. Thành công - thất bại luôn là hình mẫu của CEO, chúng ta càng giảm thiểu rủi ro bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Từ đó, chúng ta sẽ biết mình đã học được gì khi thành công và chưa thành công như mình mong muốn”.
Năm qua được xem là thời kỳ “phục hưng” của thị trường chứng khoán. Xoay quanh vấn đề này, bạn Ngọc Thắng (ĐH Kinh tế - luật) mạnh dạn đặt câu hỏi: “Trong thời kỳ ảm đạm thì các nhà đầu tư (NĐT) nên làm như thế nào?”. Anh Đăng Linh giải thích: “Nhiều NĐT tham gia đầu tư theo phong trào. Trước khi tham gia đầu tư, chúng ta cần phải hiểu mình thuộc “phong cách” đầu tư nào: giá trị, tăng trưởng, bước sóng hay kỹ thuật. NĐT nào chịu khó học hỏi sẽ dễ dàng đối phó với khủng hoảng”.
Trong khi đó thì Đan Thanh (ĐH Kinh tế - luật) lại quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển nhân sự khi hỏi rằng: “Làm sao cải tạo bản thân để người khác có thể tin tưởng mình?”. Một lần nữa, chị Khánh Linh nhiệt tình chia sẻ: “Bạn phải xác định tầm nhìn của công ty trong tương lai. Từ đó, tạo cơ hội để nhân viên phát huy hết khả năng của mình để chứng tỏ bản thân”.
Phần lớn các bạn trẻ trong hội thảo lần này đến từ khối ngành kỹ thuật, những câu hỏi khá hóc búa như: “Một sinh viên khối ngành kỹ thuật như em sẽ như thế nào khi ngành kỹ thuật đang bị cắt giảm”, hoặc: “Học kỹ thuật thì có thể trở thành CEO không?”. Cả khán phòng ngạc nhiên ồ lên nhưng sau đó rất tâm đắc với câu trả lời của các diễn giả. Chị Khánh Linh nói: “Nếu em có nền tảng về kỹ thuật thì sẽ thành công nhanh hơn so với những người không có. Khi em làm CEO thì chức năng chuyên môn sẽ giảm đi và năng lực lãnh đạo sẽ tăng lên”. Trong khi đó thì anh Đăng Linh lại mở cho các bạn một “lối đi” rất khác: “Nếu học kinh doanh mà không có khát vọng làm lãnh đạo thì vẫn không thể trở thành một CEO được”.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét