Thứ Hai, 11 tháng 3, 2013

Luyện tập thể lực – vaccin liều mạnh chống lại stress


Luyện tập thể lực – vaccin liều mạnh chống lại stress

Nhịp độ căng thẳng của cuộc sống, cường độ lao động ngày càng tăng, vận động giảm, tất cả những điều đó làm cho con người dần rơi vào tình trạng căng thẳng thần kinh tâm lý thường xuyên (stress). 
Phản ứng của cơ thể với tình trạng này đã sản sinh ra những hormon chống lại stress. Tuy nhiên, cần biết cách để có được nhiều những “vaccin tự thân” bảo vệ cơ thể trong hoàn cảnh này.
Stress không buông thả ai
Các chuyên gia coi phản ứng của cơ thể với một hoàn cảnh bất kỳ bằng sự hưng phấn cảm xúc mạnh mẽ, có thể trở thành nguyên nhân gây ra trạng thái stress. Chúng ta cần biết rằng, cảm xúc dương tính như sinh con, mới lập gia đình… cũng như các cảm xúc âm tính như các tổn thương tinh thần: sự ra đi của người thân quen, bị mất việc làm, mâu thuẫn trong công việc hay gia đình, ly hôn, vấn đề về con cái, vấn đề khó khăn về tài chính, không thành công trong công việc, hay tình trạng chấn thương, tình trạng ốm đau bệnh tật đều có thể gây nên trạng thái stress. Thậm chí những hoàn cảnh bình thường như tắc đường lâu, xếp hàng dài chờ mua vé tàu xe… cũng có thể gây nên trạng thái căng thẳng cảm xúc (stress).
Ảnh hưởng của stress đến sức khỏe
Stress gây nên bởi các cảm xúc âm tính làm tổn thương cả sức khỏe thể lực và sức khỏe tinh thần của chúng ta.
Các phản ứng sinh lý của trạng thái căng thẳng cảm xúc là các phản ứng của cơ thể nhằm huy động quá mức các tiềm lực của mọi chức năng. Ví dụ, ta thấy trong trạng thái căng thẳng cảm xúc nhịp tim và nhịp hô hấp tăng cao, vã mồ hôi… thậm chí sau thấy mệt mỏi rã rời. Khi bị tác động các yếu tố gây stress, tuyến thượng thận sản sinh ra số lượng lớn các hormon như adrenalin và các corticoid.
Stress trường diễn là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh khác nhau như: bệnh timhuyết áp caobệnh đường tiêu hóa, rối loạn cân bằng hormon, giảm sức đề kháng của cơ thể với bệnh truyền nhiễm và các rối loại tâm thần kinh.
Luyện tập thể lực - vaccin liều mạnh chống lại stress
Luyện tập thể lực thường xuyên có thể thay đổi cả nhân cách và trạng thái tâm thần của người tập (ảnh minh họa)
Tập luyện để có được những hormon giải tỏa stress.
Tập luyện thể dục thể thao, đặc biệt là với bài tập rèn luyện sức bền (đi bộ nhanh, chạy cự ly dài, bơi, đạp xe đạp…) và các trò chơi đối kháng như cầu lông, bóng bàn không những có ảnh hưởng tốt đối với trạng thái thể lực nói chung mà còn là một phương pháp hữu hiệu để trung hòa và giải tỏa các trạng thái căng thẳng thần kinh – tâm lý.
Tập luyện có tác dụng điều hòa các quá trình thần kinh, làm cân bằng giữa quá trình hưng phấn và ức chế, đốt cháy lượng hormon thừa do tuyến thượng thận tiết ra như: adrenalin, noradrenalin và các corticoid do tác động của các yếu tố stress. Tập luyện rèn sức bền, đặc biệt là chạy cự ly dài và đi bộ sức khỏe tăng cường hoạt động của hệ nội tiết, tuyến dưới đồi tăng tiết lượng hormon endorphin.
Endorphin là một hợp chất hóa học có tác dụng giảm đau và an thần. Endorphin (gồm 8 loại khác nhau), hoạt động như những mediator của não và thực hiện các chức năng khác nhau trong cơ thể; quan trọng nhất là chúng điều hòa các cảm giác đau bằng cách phong bế các tín hiệu thần kinh mà não bộ cảm nhận là đau. Chúng ảnh hưởng lên các phản ứng tâm lý của con người, loại trừ trạng thái sầu uất, sản sinh ra tính lạc quan và tính thỏa mãn tinh thần.
Nhiều người bị mắc bệnh mãn tính (viêm loét dạ dày, ung thư vú…) bị rơi vào tình trạng sầu uất, lo lắng, mệt mỏi. Khi tập luyện thể lực thường xuyên, sức khỏe thể lực được cải thiện, bệnh tật thuyên giảm làm họ thấy tự hào, tôn trọng bản thân hơn, điều đó sẽ làm giảm trạng thái sầu uất, mệt mỏi.
Tập luyện sức bền thường xuyên liên tục có ảnh hưởng tốt đối với hệ thống thần kinh trung ương, có thể thay đổi cả nhân cách và trạng thái tâm thần của người tập. Những nhà tâm lý cho rằng, những người yêu thích tập luyện thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe thường trở nên cởi mở hơn, tốt bụng hơn và dễ gần hơn, họ thường sống tự tin và bình an, ít bị ảnh hưởng có hại của các yếu tố stress.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét